Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2020

Vì sao hết thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng với ông Nguyễn Văn Đua và Vũ Hùng Việt?

Vi phạm của ông Đua, ông Việt đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách

Tại kỳ họp thứ 43, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và một số tổ chức, cá nhân liên quan đến các vi phạm đã được kết luận tại Kỳ họp 42 của UBKT Trung ương.

Trong đó, ngoài việc đề nghị xem xét kỷ luật đối với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 – 2015, nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, nguyên Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, kỷ luật khiển trách với nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng..., Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định: Vi phạm của ông Nguyễn Văn Đua , nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và ông Vũ Hùng Việt, nguyên Thành ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển phiên dịch trách, song đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng.

Liên quan đến thông tin này, nhiều ý kiến đã bày tỏ băn khoăn, chưa hiểu việc hết thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng với ông Đua và ông Việt được quy định cụ thể như thế nào?

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Bích Ngà, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, việc xem xét thời hiệu xử lý kỷ luật đối với ông Đua và ông Việt được thực hiện theo quy định số 102 ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm.

Theo đó, tại Khoản 1, Điều 3 quy định: "Thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng là thời hạn được quy định trong Quy định này mà khi hết thời hạn đó thì đảng viên có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật".

Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 1 nêu rõ, thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng được quy định như sau:

- 5 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách.

- 10 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.

Bà Ngà nêu rõ, Đảng viên vi phạm ở bất cứ thời điểm nào đều phải được tổ chức Đảng có thẩm quyền kiểm tra, làm rõ, kết luận và biểu quyết hình thức kỷ luật cụ thể.

Sau đó căn cứ vào kết quả biểu quyết và đối chiếu với quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật để quyết định thi hành hoặc không thi hành kỷ luật đối với Đảng viên vi phạm.

Đối chiếu với trường hợp của ông Đua và ông Việt có vi phạm cách thời điểm xem xét kỷ luật trên 5 năm. 

Ủy ban Kiểm tra Trung ương sau khi xem xét nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, biểu quyết quyết định kỷ luật với kết quả là khiển trách.

Đối chiếu với quy định về thời hiệu kỷ luật thì tại thời điểm quyết định kỷ luật đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật nên Đảng viên đó không bị thi hành kỷ luật về Đảng. Tuy không kỷ luật nhưng vẫn chỉ rõ vi phạm, yêu cầu Đảng viên phải nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc.

Thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng được tính từ khi nào?

Còn tại văn bản 04 năm 2018 hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 102 về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm, do Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành cũng nêu rõ: Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 3 Quy định 102 nêu: "Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu trong thời hạn xử lý kỷ luật được quy định tại Điểm a Khoản này, Đảng viên có hành vi vi phạm mới thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới".

Ví dụ, Đảng viên có vi phạm vào ngày 2/5/2015 và còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật, đến ngày 8/9/2017 lại có vi phạm mới, thì thời hiệu đối với vi phạm cũ được tính lại từ ngày 8/9/2017. Tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét từng nội dung vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật.

Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm đến thời điểm tổ chức Đảng có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra, xem xét kỷ luật Đảng viên; trường hợp vi phạm xảy ra liên tục kéo dài thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.

Ví dụ, Đảng viên có hành vi vi phạm liên tục kéo dài trong thời gian 3 năm (từ ngày 8/3/2013 đến ngày 8/3/2016), đến nay mới bị phát hiện hành vi vi phạm trong thời gian đó, thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi phạm ngày 8/3/2016 đến khi tổ chức Đảng có thẩm quyền quyết định kiểm tra, xem xét kỷ luật.

Không tính lại thời hiệu đối với Đảng viên đã bị thi hành kỷ luật nhưng sau đó tổ chức Đảng cấp trên quyết định lại (chuẩn y, tăng hoặc giảm) hình thức kỷ luật đối với Đảng viên đó.

Ví dụ, Đảng viên bị kỷ luật khiển trách, Đảng viên đó khiếu nại lên các tổ chức đảng cấp trên; tổ chức Đảng giải quyết khiếu nại cuối cùng quyết định chuẩn y hình thức kỷ luật khiển trách đối với Đảng viên đó (thời gian từ khi có hành vi vi phạm đến khi có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng là trên 5 năm), vì không tính lại thời hiệu nên đảng viên đó vẫn phải chấp hành quyết định kỷ luật của tổ chức Đảng cấp trên.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 42, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định, Ban Thường vụ Thành ủy và BCSĐ UBND TPHCM đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân Thành phố, gây bức xúc trong xã hội.

Các ông Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Ủy viên BCSĐ, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP, ông Vũ Hùng Việt, nguyên Thành ủy viên, nguyên Ủy viên BCSĐ, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy, của BCSĐ UBND TP và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét